Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024
Lỗi
  • Bạn không được quyền truy cập trang này. You must login to read all this article

Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế - Nghiên cứu trao đổi

Giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường: Khiếm khuyết của các cơ chế hiện có và những hướng khắc phục

Settlement of International Disputes on the environment: Defect of the Existing Mechanisms and Solutions

Trái đất của chúng ta đang đứng trước những nguy cơ to lớn về môi trường. Điều này không chỉ đến hôm nay cộng đồng quốc tế mới nhận ra. Ngay từ đầu năm 1969, trong một bản báo cáo trước Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thư ký LHQ đã nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã xảy ra một cuộc khủng hoảng trên quy mô quốc tế liên quan đến tất cả các nước phát triển và đang phát triển - khủng hoảng về môi trường sống của con người. Rõ ràng nếu chiều hướng này còn tiếp tục, thì tương lai sự sống trên trái đất có thể bị đe dọa.” Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên bắt đầu vào thế kỷ XVIII, môi trường của trái đất đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần trở nên cạn kiệt bởi sự khai thác ồ ạt của con người. Ngày nay, con người đang phải đối mặt với một loạt vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, ô nhiễm biển, giảm đa dạng sinh học… Không chỉ đe doạ đến cuộc sống và sự phát triển của con người, những vấn đề môi trường còn dẫn tới nhiều dạng xung đột khác nhau giữa các quốc gia, dân tộc như vấn đề an ninh, lãnh thổ gây ra bởi các làn sóng di cư, các cuộc chiến tranh kinh tế và tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

small
Posted by Lý Vân Anh on 19/10/2011

 

Nhận thức được những vấn đề môi trường toàn cầu này, ngay từ đầu những năm 70 thế kỷ XX các quốc gia đã tập hợp lại trong các diễn đàn quốc tế và ký kết các điều ước quốc tế nhằm bảo vệ môi trường. Nỗ lực của các quốc gia đã dẫn tới sự hình thành một ngành luật quốc tế về môi trường, tuy còn non trẻ nhưng phát triển hết sức nhanh chóng (1). Mặc dầu vậy, một trong những lo ngại hiện nay của cộng đồng quốc tế là vấn đề thực thi các điều ước quốc tế về môi trường và việc đảm bảo quyền lợi của người dân là nạn nhân của sự phá hoại môi trường.
Với những đặc điểm riêng của mình, trong pics air 2

tương lai các tranh chấp quốc tế về môi trường sẽ ngày một gia tăng, đòi hỏi phải được giải quyết nhanh chóng và triệt để (2). Trong khi đó một điều dễ nhận thấy là các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế đang tồn tại tỏ ra không thích hợp để giải quyết một cách hiệu quả những tranh chấp về môi trường (3). Do đó, một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất hiện nay về tương lai của luật quốc tế chính là tìm kiếm một mô hình thích hợp giải quyết tranh chấp quốc tế về môi trường, trên cơ sở tính đến những đặc điểm riêng biệt của ngành luật này cùng với các tranh chấp về môi trường. Các giải pháp đưa ra rất khác nhau: điều chỉnh những cơ chế sẵn có cho phù hợp với các tranh chấp quốc tế về môi trường; thiết lập một Toà án quốc tế về môi trường (4). Tuy nhiên, những ý tưởng đưa ra còn vấp phải nhiều tranh cãi và hồ nghi. Diễn đàn quốc tế về vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ cho những ý tưởng thuyết phục hơn.

Vài nét về luật quốc tế về môi trường

Có thể nói luật quốc tế về môi trường là một ngành luật rất mới của hệ thống luật quốc tế. Mặc dù các vấn đề môi trường đã xuất hiện từ khá lâu, song phải đến giữa thế kỷ XX, con người mới bắt đầu ý thức được nhu cầu phải bảo vệ môi trường nhằm phục vụ cho sự phát triển lâu dài. Sự thức tỉnh của cộng đồng quốc tế chính thức được ghi nhận tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường con người tại Stockholm (Thuỵ Điển) năm 1972. Tuy Tuyên bố Stockholm chỉ mang tính khuyến nghị, song nó đã phản ánh sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với một số nguyên tắc mới điều chỉnh hành vi của các quốc gia trong vấn đề môi trường như nguyên tắc không gây hại, nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia nhằm phát triển luật pháp về môi trường nói riêng và nhằm bảo vệ môi trường nói chung. Cũng chính tại Hội nghị này, Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP – United Nations Environment Programme) được thành lập, trở thành hạt nhân cho quá trình phát triển của luật quốc tế về môi trường. Sau Hội nghị thượng đỉnh Stockholm, các quốc gia trên thế giới còn gặp nhau tại hai Hội nghị thượng đỉnh quan trọng khác là Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2002. Tên gọi, nội dung và kết quả của các Hội nghị này đã phản ánh sự phát triển nhanh chóng của luật quốc tế về môi trường, đặc biệt thể hiện ở việc gắn các vấn đề môi trường với sự phát triển bền vững và những quyền cơ bản và chính đáng của con người. Đồng thời, thế giới cũng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các điều ước quốc tế về môi trường. Theo số liệu của UNEP năm 2001, số lượng các điều ước quốc tế về môi trường lên tới 500 trong khi vào năm 1999, con số này mới là 270.[1]

Là một ngành luật mới phát triển của hệ thống luật quốc tế, luật quốc tế về môi trường mang những đặc thù riêng mà chúng ta cần phải tính đến khi xem xét mức độ tuân thủ và thực thi của các quốc gia đối với các định chế quốc tế về môi trường. Trước hết là sự cần thiết phải nhìn nhận môi trường trong tổng thể của nó. Tính tổng thể của môi trường là nền tảng quan trọng của luật quốc tế về môi trường, theo đó môi trường của cả hành tinh, bao gồm môi trường đất, nước, không khí, được xem như một thể thống nhất về tự nhiên, địa lý và vật chất. Tất cả các yếu tố của môi trường đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và sự biến đổi của yếu tố nào cũng có thể dẫn đến những thay đổi của các yếu tố khác. Chẳng hạn, hoạt động gây ô nhiễm khí quyển diễn ra bên trong lãnh thổ của một quốc gia sẽ dẫn tới gây ô nhiễm khí quyển cho toàn bộ một khu vực, thậm chí toàn cầu. Như vậy, trong luật quốc tế về môi trường, logic về môi trường đã vượt quá giới hạn lãnh thổ vốn là nền tảng cố hữu của công pháp quốc tế nói chung. Mặt khác, đảm bảo một môi trường trong sạch đã được thừa nhận như là một quyền cơ bản của con người[2], do vậy, ở một chừng mực nào đó, luật quốc tế về môi trường còn phải bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, chứ không chỉ các quốc gia. Nghĩa vụ bảo vệ này không chỉ giới hạn ở bảo vệ quyền lợi của thế hệ hiện tại mà còn phải đảm bảo quyền sống của những thế hệ tương lai, theo đúng như nội dung của khái niệm “phát triển bền vững”[3] đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ môi trường của các quốc gia. Nhận thức này đòi hỏi luật quốc luật quốc tế về môi trường phải phát triển theo hai hướng: (1) xây dựng nên các quy phạm được tất cả các quốc gia thừa nhận và có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các quốc gia; và (2) định nghĩa lại khái niệm lợi ích quốc gia: đảm bảo lợi ích quốc gia phải hài hoà với lợi ích của các quốc gia khác và tính đến quyền lợi về môi trường của các cá nhân.

Tuy nhiên, hiện trạng của luật quốc tế về môi trường chưa phản ánh được yêu cầu này. Luật quốc tế về môi trường thường được nhắc đến như là một thứ luật mềm (soft law) và một ngành luật có tính chất đối phó với các vấn đề môi trường. Bởi các cam kết về mặt môi trường thường có những hệ luỵ quan trọng đối với chủ quyền quốc gia, nên phần lớn các quy định của luật quốc tế về môi trường thường ít có tính ràng buộc. Các nguyên tắc, mà đáng lẽ phải có giá trị bắt buộc và phổ cập (erga omnes), lại thường được nêu ra trong các tuyên bố hơn là trong điều ước ràng buộc. Trong khi đó, các điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc thường chỉ nhằm vào các vấn đề môi trường cụ thể, như chống sa mạc hoá, chống hiệu ứng nhà kính, bảo vệ các hệ sinh thái ngập nước, bảo vệ các loài cụ thể… Như vậy, các quy định pháp lý quốc tế về môi trường thường chỉ được hình thành sau khi có những vấn đề cấp bách nổi lên. Điều đó nói lên tính chất đối phó và tính tản mát của luật quốc tế về môi trường hiện nay.

Rõ ràng trong lĩnh vực luật quốc tế về môi trường còn tồn tại một khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tiễn. Khoảng cách này phản ánh mâu thuẫn giữa một bên là luật môi trường với những đòi hỏi đôi khi vượt qua cả chủ quyền quốc gia với một bên là quan hệ giữa các quốc gia với nguyên tắc truyền thống là tôn trọng chủ quyền của quốc gia. Nhược điểm này của luật quốc tế về môi trường càng thể hiện rõ nét trong vấn đề giải quyết các tranh chấp về môi trường trên thế giới hiện nay.

Các tranh chấp quốc tế về môi trường

Có nhiều cách định nghĩa tranh chấp quốc tế về môi trường khác nhau được đưa ra. Có học giả định nghĩa tranh chấp quốc tế về môi trường căn cứ vào chủ thể của tranh chấp. Chẳng hạn, Matthew Vespa chia các tranh chấp này thành hai loại[4]: tranh chấp về môi trường giữa các quốc gia (chủ yếu liên quan đến việc giải thích và thực thi các điều ước quốc tế về môi trường) và tranh chấp có liên quan đến các chủ thể phi quốc gia (gồm tranh chấp về môi trường giữa quốc gia và cá nhân nước ngoài, giữa quốc gia và các công ty xuyên quốc gia và giữa các cá nhân, pháp nhân có quốc tịch khác nhau).

Tranh chấp quốc tế về môi trường cũng có thể được định nghĩa căn cứ vào hậu quả của tranh chấp. Trên cơ sở đó,David Konisky[5] cho rằng có hai loại tranh chấp quốc tế về môi trường là: những xung đột quốc tế gây ra do các vấn đề về môi trường (ví dụ như chiến tranh) và những tranh chấp giữa các quốc gia liên quan tới việc không tuân thủ nghĩa vụ điều ước về môi trường.

Cuối cùng, Richard Bilder[6] định nghĩa tranh chấp quốc tế về môi trường căn cứ vào tính chất của tranh chấp: “sự bất đồng hay xung đột về quan điểm hoặc lợi ích giữa các quốc gia liên quan tới sự thay đổi của môi trường tự nhiên do sự can thiệp của con người gây ra.” Như vậy, định nghĩa này hàm ý rằng mọi xung đột đang hoặc sẽ xảy ra giữa các quốc gia liên quan đến môi trường đều rơi vào dạng tranh chấp quốc tế về môi trường. Cũng giống như định nghĩa trên, định nghĩa này loại trừ hoàn toàn sự tham gia của các thực thể không phải là quốc gia vào tranh chấp.

Có thể nói, không thể đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh và đầy đủ về tranh chấp quốc tế về môi trường. Xét về mặt chủ thể của tranh chấp, rõ ràng cá nhân và các pháp nhân hoàn toàn có thể là một bên của tranh chấp, bởi trong đa số các trường hợp, họ chính là nạn nhân trực tiếp của các thảm họa về môi trường. Tuy nhiên, các quốc gia lại không dễ dàng thừa nhận điều này, bởi nó sẽ đặt ra vấn đề trách nhiệm quốc tế của quốc gia, ngoài ra, quốc gia không thể đặt ngang hàng với các cá nhân.

Mặc khác, việc xác định một tranh chấp có phải là tranh chấp môi trường hay không cũng là một việc rất khó khăn và đôi khi phụ thuộc vào cách giải thích khác nhau của các quốc gia. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy có những tranh chấp liên quan trực tiếp đến môi trường (như các tranh chấp về việc giải thích hay thực thi các điều ước về môi trường). Song, bên cạnh đó còn có các tranh chấp thuộc những lĩnh vực khác nhưng có yếu tố môi trường: yếu tố môi trường này có thể nhiều (chẳng hạn như các tranh chấp được đưa ra trước Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) liên quan tới việc vi phạm các quy định của WTO do quốc gia triển khai các chính sách bảo vệ môi trường), hoặc ít (chẳng hạn các tranh chấp về lãnh thổ như tranh chấp ở Biển Đông hiện nay cũng liên quan đến vấn đề khai thác và bảo vệ các nguồn sinh vật biển).

Tóm lại, tùy theo ngành luật, tiêu chí, phương pháp và cách tiếp cận, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về tranh chấp quốc tế về môi trường. Song với chủ ý nhất định, bài viết này sẽ chỉ tập trung vào các tranh chấp có liên quan trực tiếp đến môi trường, với xuất phát điểm là nghĩa vụ quốc tế bảo vệ môi trường, trong đó các chủ thể của tranh chấp có thể là các quốc gia hay các thực thể phi quốc gia.

Giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường: những khiếm khuyết của các cơ chế hiện có

Cũng như các tranh chấp quốc tế khác, việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường cũng phải tuân theo nguyên tắc “giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế.” Điều 33 Hiến chương LHQ đã nêu ra các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp, gồm các biện pháp mang tính thương lượng như đàm phán và các biện pháp hỗ trợ (trung gian, hoà giải), và các biện pháp mang tính xét xử như trọng tài, toà án.

Hiện nay, đa phần các tranh chấp quốc tế về môi trường được giải quyết thông qua con đường thương lượng. Số lượng các tranh chấp đưa ra giải quyết bằng con đường xét xử là rất ít. Một trong những lý do chủ yếu là vì việc giải quyết thông qua xét xử thường có những hệ luỵ quan trọng tới chủ quyền quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên và sự tự do ý chí của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình. Do đó, quốc gia thường ngần ngại trong việc đưa các tranh chấp của mình, đặc biệt là liên quan đến môi trường, ra trước các cơ quan trọng tài hay toà án quốc tế.

Tuy vậy, giải pháp thương lượng trong trường hợp tranh chấp về môi trường lại thường không phải là giải pháp tối ưu. Khác với nhiều loại tranh chấp khác như tranh chấp về lãnh thổ, biển, v.v... các tranh chấp về môi trường đòi hỏi phải được giải quyết nhanh chóng bởi những thiệt hại về môi trường càng kéo dài càng khó khắc phục. Trong khi đó, quá trình thương lượng luôn phụ thuộc vào thiện chí của các bên, nên nó có thể kéo dài vô thời hạn. Mặt khác, quá trình đàm phán là quá trình thiếu minh bạch, đôi khi chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị và lợi ích, nên tuy các bên có thể đạt được giải pháp cho tranh chấp nhưng chưa chắc giải pháp đó tốt cho môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng khi người dân là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các vấn đề về môi trường, do đó không những họ cần được bảo vệ mà còn có quyền được tiếp cận thông tin và được có tiếng nói trong quá trình giải quyết tranh chấp. Giải pháp thương lượng giữa các quốc gia không đảm bảo cho họ những quyền này.

Như vậy, dù muốn hay không, hướng phát triển cho tương lai là tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp quốc tế về môi trường bằng con đường tư pháp. Khoảng 100 trên tổng số 500 điều ước quốc tế về môi trường có quy định giải quyết tranh chấp bằng xét xử. Con số này tuy không nhiều nhưng cũng là đáng kể. Mặt khác, xu hướng gia tăng các tranh chấp về môi trường cũng bộc lộ rõ sự khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu tăng trưởng kinh tế không ngừng của các quốc gia sẽ dẫn tới xung đột tiềm tàng liên quan tới tranh giành và chiếm đoạt các nguồn tài nguyên trên trái đất; sự gia tăng các cam kết của quốc gia về bảo vệ môi trường sẽ dẫn tới nhiều tranh chấp xoay quanh việc giải thích và thực thi các cam kết đó.[7] Mặt khác, vai trò của các cơ chế xét xử trong luật quốc tế về môi trường còn thể hiện ở chỗ các phán quyết hay quyết định của các cơ quan này sẽ góp phần vào việc giải thích và phát triển một cách thống nhất các quy phạm pháp luật quốc tế về môi trường.

Do chưa có một Toà án chuyên biệt để giải quyết các tranh chấp về môi trường ở cả cấp độ khu vực lẫn quốc tế, các quốc gia hay các chủ thể khác của tranh chấp phải tìm đến những cơ chế tài phán quốc tế khác nhau nhưng đều không chuyên về môi trường. Những phân tích dưới đây sẽ tập trung đánh giá liệu các cơ chế tài phán quốc tế hiện nay có thích hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường[8] hay không.

Toà án quốc tế La Hay

Thành lập năm 1945 trên cơ sở quy chế Toà án kèm theo Hiến chương LHQ, mà tiền thân là Toà án quốc tế thường trực của Hội Quốc Liên, Toà án quốc tế La Hay hiện là cơ quan tài phán chính của Liên Hợp Quốc. Ở mức độ nào đó, Toà án quốc tế là cơ quan khá thích hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường. Điều 36 khoản 1 Quy chế của Toà án nêu rõ Toà án quốc tế có thẩm quyền xem xét “tất cả các vụ việc mà các bên đưa ra và tất cả các vấn đề được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc hoặc các điều ước, các công ước hiện hành”. Mặt khác, các phán quyết của Toà được Hội đồng Bảo an đảm bảo thực thi và đây là một lợi thế rất lớn của Toà án quốc tế.

Tuy nhiên, cơ chế này cũng có một số nhược điểm khiến cho vai trò giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường bị giảm đáng kể. Trước hết, Toà án chỉ có thẩm quyền xét xử đối với một tranh chấp khi có sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp.[9] Các bên tranh chấp cũng có thể giới hạn thẩm quyền xét xử của Toà án đối với vụ việc có liên quan. Hơn nữa, các cá nhân và các thực thể khác ngoài quốc gia không thể đưa vụ việc lên Toà án. Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp quốc tế về môi trường của Toà án, nếu có, sẽ bị giới hạn ở những tranh chấp giữa các quốc gia và phụ thuộc vào sự chấp thuận về thẩm quyền của các bên tranh chấp.

Vụ tranh chấp giữa hai nước Ôt-xtrây-li-a, Niu Di-lân với Pháp về các vụ thử vũ khí hạt nhân có thể được coi là một ví dụ điển hình. Đây là vụ tranh chấp liên quan trực tiếp đến môi trường, đó là vấn đề ô nhiễm hạt nhân xuyên biên giới. Ngày 9/5/1973, Ôt-xtrây-li-a và Niu Di-lân kiện Pháp lên Toà án quốc tế với yêu cầu Pháp chấm dứt các vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương vì các vụ thử này đã vi phạm luật quốc tế về môi trường. Vào thời điểm xảy ra tranh chấp, Pháp đã có tuyên bố chấp thuận từ trước đối với thẩm quyền xét xử của Toà án. Do đó, mặc dù Pháp từ chối không hợp tác với lý do Toà án không có thẩm quyền,[10] song Toà án đã nhận định rằng Toà án có đầy đủ thẩm quyền để xét xử vụ việc này. Tuy nhiên, trong khi vụ việc đang được xem xét, thì mùa hè năm 1974 chính phủ Pháp tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân trong khí quyển tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Trước tuyên bố này Toà án quyết định ngừng vụ việc với lập luận rằng nội dung khiếu kiện của Ôt-xtrây-li-a và Niu Di-lân đòi Pháp ngừng các vụ thử hạt nhân ở khu vực đã được thoả mãn. Như vậy, vụ việc đã bị khép lại trước khi Toà án đưa ra phán quyết cuối cùng về việc Pháp có vi phạm hay không luật quốc tế về môi trường. Tranh chấp giữa Niu Di-lân với Pháp một lần nữa lại nổi lên năm 1995 sau khi Pháp quyết định nối lại các vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương, nhưng lần này là các vụ thử dưới lòng đất. Tuy nhiên, vào cuối năm 1973, Pháp đã rút tuyên bố thừa nhận thẩm quyền bắt buộc của Toà án. Do đó Niu Di-lân không thể đưa vụ tranh chấp ra trước Toà án quốc tế.

Hai vụ tranh chấp trên đã cho thấy tính chất hạn chế trong vai trò xét xử của Toà án quốc tế. Trong vụ đầu tiên, giới hạn nội dung đơn kiện đã khiến Toà án lỡ mất một cơ hội quan trọng để đưa ra những đánh giá có tính án lệ về trách nhiệm pháp lý của quốc gia đối với những thiệt hại về môi trường cũng như tính hợp pháp của các vụ thử hạt nhân xét từ góc độ luật quốc tế về môi trường. Trong vụ thứ hai, Toà án một lần nữa lại lỡ mất cơ hội xem xét một vụ việc với nội dung gần tương đương do không có thẩm quyền.

Toà án quốc tế về luật biển

Được thành lập bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Toà án quốc tế về luật biển bắt đầu hoạt động tại Hambourg tháng 10/1996. Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về vấn đề giải thích và thực thi Công ước Luật biển. Toà án cũng có thể giải quyết các vụ việc tranh chấp khác liên quan tới biển, trong đó có các tranh chấp về môi trường.

Lợi thế của Toà án quốc tế về luật biển ở chỗ đây là một trong những cơ quan tài phán hiếm hoi có thẩm quyền bắt buộc đối với các tranh chấp liên quan đến những điều khoản của Công ước, khi các cơ chế giải quyết tranh chấp khác được liệt kê trong Công ước không được sử dụng hoặc sử dụng không thành công (điều 288.2, 290.4, 292 Công ước 1982). Trên thực tế, Toà án quốc tế về luật biển thụ lý khá nhiều vụ việc, do việc giải quyết tại Toà thường nhanh chóng và linh hoạt, cũng như các thẩm phán có trình độ cao. Toà án là một cơ chế tốt để giải quyết các tranh chấp liên quan đến môi trường biển theo hướng có lợi cho môi trường.

Tuy nhiên, cũng giống như Toà án quốc tế, Toà án luật biển chỉ có thẩm quyền đối với những tranh chấp giữa các quốc gia. Về nội dung vụ việc, thẩm quyền của Toà án này chỉ giới hạn ở những tranh chấp liên quan đến biển mà thôi.

Các toà án về nhân quyền

Các toà án về nhân quyền hiện nay đều tồn tại ở cấp độ khu vực, chưa có toà án nhân quyền quốc tế. Có thể kể ra đây Toà án nhân quyền châu Âu, Toà án nhân quyền châu Phi, Uỷ ban nhân quyền liên Mỹ, thành lập trên cơ sở các Công ước nhân quyền khu vực (Công ước Roma về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc, Công ước châu Mỹ về nhân quyền).

Về mặt lý thuyết, các Toà án nhân quyền này tạo một cơ hội cho các cá nhân bảo vệ quyền lợi của họ trước những hành vi phá hoại môi trường của các quốc gia hay công ty. Đặc biệt là khi mối quan hệ giữa quyền con người và vấn đề bảo vệ môi trường đã chính thức được thừa nhận năm 1968 (tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc). Đây cũng là một trong số ít cơ quan tài phán quốc tế để các cá nhân có thể khởi kiện trên phương diện quốc tế, đặc biệt là để chống lại một quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vai trò của các Toà án nhân quyền trong việc bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Chẳng hạn, Toà án nhân quyền châu Âu chỉ xem xét những vi phạm đối với quyền con người được xác định rõ trong Công ước Roma và các Nghị định thư bổ sung. Trong khi đó, Công ước Roma và các Nghị định thư bổ sung đều không có quy định nào nói rằng quyền con người bao gồm cả quyền được hưởng một môi trường trong sạch, mặc dù nội dung này có được nêu trong Dự thảo Công ước Roma. Điều này cho thấy vào thời điểm thông qua Công ước (1950), các nước châu Âu chưa sẵn sàng đưa vấn đề môi trường vào các nội dung liên quan đến nhân quyền. Thực tiễn của Toà án nhân quyền châu Âu về sau đã có những bước phát triển khả quan hơn. Chẳng hạn, trong vụ Lopez Ostra,[11] lần đầu tiên Toà án đã trao phần thắng cho những nạn nhân của ô nhiễm âm thanh căn cứ trên điều 8 Công ước Roma (bảo vệ cuộc sống cá nhân và cuộc sống gia đình). Như vậy, trong chừng mực nào đó, Toà án đã bắt đầu thừa nhận mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường với nhân quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, án lệ của Toà vẫn không tiến thêm bước nào xa hơn.

Toà án nhân quyền châu Phi mới đi vào hoạt động (ngày 25/1/2004), vì thế vẫn chưa nảy sinh thực tiễn nào. Do vậy, khó có thể đánh giá đóng góp của Toà này đối với việc giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan đến môi trường.

Uỷ ban nhân quyền liên Mỹ có lẽ là cơ quan duy nhất trong số ba cơ quan tài phán trên đã có những quan điểm khá thuận lợi đối với vấn đề môi trường. Trong vụ Yanomami,[12] Uỷ ban kết luận rằng các hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng Yanomani thuộc Braxin đã vi phạm tới các quyền được sống, được bảo vệ sức khoẻ quy định trong Tuyên bố liên Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người.

Toà án hình sự quốc tế

Toà án hình sự quốc tế thường trực ra đời năm 1998 trên cơ sở Công ước Roma về Quy chế Toà án hình sự quốc tế nhằm đáp ứng mong mỏi của cộng đồng quốc tế trong việc trừng trị những tội ác nghiêm trọng nhất chống lại con người và cộng đồng. Năm 2001, Công ước Roma có hiệu lực, đã cho phép Toà án hình sự quốc tế đi vào hoạt động.

Hoạt động xét xử của Toà án hình sự quốc tế chủ yếu tập trung vào những tội ác quốc tế được liệt kê trong Quy chế của Toà (tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội xâm lược và tội phạm chiến tranh). Mối liên hệ giữa thẩm quyền xét xử của Toà án này đối với vấn đề môi trường được thể hiện ở điều 8 khoản b điểm iv của Quy chế. Điều khoản này đã đưa vào định nghĩa về tội ác chiến tranh những hành vi phá hoại môi trường: những hành vi “tấn công có chủ ý dù biết rằng sự tấn công đó sẽ gây ra những tổn thất lâu dài và nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên, những thiệt hại đó là quá mức so với lợi ích về mặt quân sự cụ thể và trực tiếp đã được định ra”. Như vậy, quốc gia hay các cá nhân đều có thể kiện lên Toà án hình sự quốc tế những hoạt động phá hoại môi trường như là một tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, khía cạnh môi trường này lại rất hạn chế. Hoạt động phá hoại môi trường chỉ có thể bị lên án trước Toà án hình sự quốc tế nếu nó mang đầy đủ hai khía cạnh: (i) xảy ra trong một cuộc chiến tranh, và (ii) mức độ thiệt hại mà nó gây ra phải vượt quá lợi ích quân sự thu được (tức là vi phạm nguyên tắc tương ứng - proportionality).

Một số luật gia cho rằng cần phải xác định một loại tội ác mới là tội ác chống lại môi trường, được xem xét một cách riêng rẽ so với bốn loại tội ác nêu trên. Như vậy sẽ cho phép tòa án hình sự quốc tế có thể thụ lý những vụ kiện liên quan tới những tội ác phá hoại môi trường. Điều này sẽ đòi hỏi phải sửa đổi lại Quy chế Tòa án hình sự quốc tế, một việc không phải dễ dàng. Bởi ngay hiện nay, các nước thậm chí vẫn còn chưa đi được đến thống nhất về một định nghĩa cho “tội xâm lược”.

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ra đời năm 1995 và được đánh giá là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất trên phương diện quốc tế. Quá trình xét xử các tranh chấp trong WTO được tiến hành theo hai giai đoạn: Ban hội thẩm và cơ quan phúc thẩm. Quá trình xét xử hai cấp này cùng với những thời hạn chặt chẽ quy định cho việc giải quyết tranh chấp đã mang lại cho Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO những ưu điểm như nhanh chóng, hiệu quả và công bằng. Đồng thời, các quyết định về giải quyết tranh chấp của WTO còn được đảm bảo thực thi thông qua cơ chế thỏa thuận về đền bù hay cơ chế trả đũa. Đặc biệt, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của cơ quan này mang tính bắt buộc, do đó chỉ cần một bên tranh chấp đưa vụ việc lên là cơ quan đã có thể thụ lý vụ việc. Đây cũng được coi là một trong những cơ chế hiệu quả nhất trong số các cơ chế tài phán quốc tế, thể hiện ở số vụ việc mà Cơ chế này giải quyết lên tới khoảng 300 vụ trong vòng 10 năm hoạt động.

Phạm vi giải quyết tranh chấp tại cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO được giới hạn ở những bất đồng liên quan tới các điều khoản trong các Hiệp định và các văn bản pháp lý của tổ chức này. Do đó,

các tranh chấp đưa lên chủ yếu mang tính kinh tế. Tuy nhiên, một số vụ tranh chấp cũng liên quan đến các khía cạnh môi trường như vụ tranh chấp về lệnh cấm nhập khẩu cá ngừ của Mỹ năm 1994, tranh chấp về luật xăng dầu của Mỹ năm 1996, tranh chấp về lệnh cấm nhập khẩu tôm của Mỹ năm 1998, tranh chấp về lệnh cấm nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm a-mi-ăng của EU... Trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, các quốc gia thường sử dụng biện pháp kinh tế để ngăn chặn hoặc trừng trị các hoạt động phá hoại môi trường. Trong các tranh chấp nêu trên, yếu tố môi trường được đưa ra để minh chứng cho việc các biện pháp hạn chế thương mại được hưởng ngoại lệ quy định tại điều XX của GATT. Như vậy, về mặt lý thuyết, WTO thừa nhận giành ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường so với các mục tiêu tự do thương mại.

Thực tiễn xét xử của cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO cho thấy, mặc dù các Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đã có một cách lập luận ngày càng rộng mở hơn đối với các lợi ích về môi trường, song xuất phát điểm để đánh giá vụ việc vẫn luôn là lợi ích về kinh tế. Thực vậy, trong các vụ xăng dầu và tôm, lần đầu tiên Cơ quan phúc thẩm đã thừa nhận biện pháp hạn chế của Mỹ là cần thiết nhằm bảo vệ sức khoẻ của con người và động thực vật (vụ xăng dầu), hoặc nhằm gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt (vụ tôm - nhằm bảo vệ loài rùa biển thường bị mắc vào lưới đánh tôm - khoản bg của điều XX). Tuy vậy, Mỹ vẫn thua kiện do Cơ quan phúc thẩm xét thấy các biện pháp này tuy là vì mục đích môi trường song cách thức áp dụng nó lại tuỳ tiện và có tính phân biệt đối xử giữa các quốc gia có điều kiện thương mại giống nhau, do đó các biện pháp này không thoả mãn đoạn mở đầu của điều XX.

Như vậy, có thể thấy cơ chế của WTO dường như không phù hợp với việc giải quyết các tranh chấp về môi trường, bởi tôn chỉ hoạt động của WTO là tìm kiếm lợi ích về thương mại. Tổ chức này đang nỗ lực làm cho quá trình tự do hoá hài hoà với các lợi ích về môi trường, song không có nghĩa đây sẽ là một diễn đàn thích hợp để bảo vệ môi trường. Mặt khác, cơ chế này chỉ xem xét những tranh chấp giữa các quốc gia mà thôi. Đó là còn chưa kể đến việc cơ chế đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về tính chất thiếu minh bạch trong thủ tục xét xử.

Toà án trọng tài thường trực

Được thành lập năm 1899, Toà án trọng tài thường trực góp phần giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp trọng tài, ngoài ra Toà án cũng đóng vai trò trung gian hay hoà giải nếu các bên tranh chấp yêu cầu. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể lựa chọn các trọng tài trong số hơn 300 trọng tài viên do 103 nước thành viên của Toà án đề cử.[13] Một trong những lợi thế của Toà án trọng tài thường trực là tính chất linh hoạt của biện pháp trọng tài, các trọng tài viên thường là chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực liên quan đến tranh chấp. Mặt khác, Toà án trọng tài không chỉ xem xét các vụ kiện giữa các quốc gia mà còn nhận cả những vụ việc liên quan đến cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ chế tài phán quốc tế khác, các ban trọng tài chỉ có thể hoạt động khi tất cả các bên tranh chấp đều chấp thuận đưa vụ việc lên giải quyết. Ngoài ra, việc thực thi các quyết định của Trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia.

Những nỗ lực tìm hướng giải quyết

Từ đầu những năm 1990, đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổi lên xung quanh vấn đề tìm kiếm một giải pháp hiện nay cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường. Các luật gia chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất chủ trương tận dụng các cơ chế hiện có và điều chỉnh chúng cho thích ứng với chức năng giải quyết các tranh chấp về môi trường, nhóm thứ hai cho rằng cần phải lập nên một Toà án quốc tế về môi trường.

Cải cách các cơ chế hiện có

Rất nhiều học giả cho rằng việc xây dựng riêng một Toà án quốc tế về môi trường là không cần thiết với lý do thế giới đã có quá đủ các Toà án, hơn nữa, việc xác định rõ đâu là một tranh chấp về môi trường không phải là việc dễ dàng. Do vậy, họ bảo vệ quan điểm rằng các cơ chế hiện có sẽ đủ sức đảm nhiệm việc giải quyết các tranh chấp về môi trường nếu được điều chỉnh một cách thích hợp.

Ý tưởng này đã được triển khai đối với một số cơ chế. Năm 1993, Toà án quốc tế La Hay đã thành lập thêm một phòng xét xử chuyên về các vấn đề môi trường, gồm 7 thẩm phán được chọn trong số 15 thẩm phán của Toà. Tuy nhiên, trong suốt hơn 10 năm tồn tại, Phòng xét xử này chưa từng thụ lý một vụ việc nào. Một trong những nguyên nhân vẫn là việc xét xử một tranh chấp cần có sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp.

Một nỗ lực nữa cũng được thực hiện đối với Toà án trọng tài thường trực. Ra đời từ năm 1899 song phải đợi đến năm 1976, với sự ra đời của Bộ quy tắc trọng tài UNCITRAL (do Uỷ ban Luật thương mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc soạn), Toà án mới thực sự có bước khởi sắc. Bộ quy tắc UNCITRAL được soạn thảo chủ yếu cho các tranh chấp liên quan đến thương mại và đầu tư trong quan hệ hợp đồng, trong khi các tranh chấp về môi trường lại có những nét riêng biệt. Do đó, năm 1996, một nhóm chuyên gia đã được thành lập nhằm soạn thảo một Bộ quy tắc trọng tài cho các tranh chấp về môi trường. Ngày 19/7/2001, các nước thành viên của Toà án trọng tài thường trực đã nhất trí thông qua Bộ quy tắc này. Khác với Bộ quy tắc UNCITRAL, Bộ quy tắc cho môi trường áp dụng cho cả những tranh chấp liên quan đến quan hệ điều ước về môi trường, các bên tranh chấp có thể là các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhưng đồng thời cũng có cả các cá nhân, pháp nhân, các tổ chức phi chính phủ…

Do mới ra đời, Bộ quy tắc về trọng tài đối với những tranh chấp về môi trường vẫn chưa lần nào được sử dụng, do đó, chúng ta chưa có thực tiễn để kết luận về tính hiệu quả của nó. Song Bộ quy tắc này vẫn vấp phải một số nhược điểm của cơ chế trọng tài nói chung trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường: trọng tài chỉ có thể giải quyết vụ việc khi có sự thoả thuận của tất cả các bên tranh chấp; nguyên tắc xử kín vốn không thích hợp với các tranh chấp về môi trường (do mức độ tác động thường vượt ra khỏi phạm vi các bên tranh chấp và việc giải quyết cần được công khai); không có một cơ chế đảm bảo thực thi.

Thành lập một cơ chế tài phán riêng cho các tranh chấp về môi trường

Ý tưởng thành lập một Toà án quốc tế về môi trường đã được nhen nhóm từ cuối những năm 1980, mà người đi tiên phong là ông Amedeo Postliglione, Thẩm phán Toà án tối cao I-ta-li-a. Quỹ Toà án quốc tế về môi trường (ICEF) đã được thành lập nhằm vận động cho việc xây dựng một Toà án quốc tế về môi trường dựa trên ba nguyên tắc trụ cột: (i) các cá nhân và các tổ chức phi chính phủ có quyền khiếu kiện lên Toà án này, (ii) các phán quyết của Toà có hiệu lực bắt buộc và đảm bảo được thực thi và (iii) phối hợp với các cơ chế tài phán hiện có để giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường.

Dự thảo Quy chế Toà án quốc tế về môi trường được đưa ra năm 1992 nêu rõ các quyền của con người được sống trong một môi trường trong sạch, được khiếu kiện chống lại các hành vi phá hoại môi trường, và đòi hỏi các chính phủ công nhận đây như là một trong những quyền cơ bản của con người (điều 1 đến 6). Điều 7 và 8 nêu rõ trách nhiệm của Quốc gia đối với những thiệt hại gây ra cho môi trường và nghĩa vụ ngăn ngừa và trừng trị các hoạt động phá hoại môi trường. Tại điều 10, cơ cấu tổ chức và chức năng của Toà án quốc tế về môi trường gần như được phỏng theo Toà án quốc tế La Hay. Toà án quốc tế về môi trường cũng sẽ là một cơ quan của Liên Hợp Quốc. Khác với Toà án quốc tế La Hay, Toà án quốc tế về môi trường sẽ có thẩm quyền thụ lý mọi tranh chấp về môi trường có liên quan đến các cá nhân, tổ chức phi chính phủ, quốc gia, các tổ chức siêu quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đề án về một Toà án quốc tế về môi trường, một đề án khác đã được đưa vào thử nghiệm trên thực tế. Năm 1993, tại Hội nghị quốc tế về Luật môi trường tại Cuernavaca (Mêhicô), ý tưởng về một Toà án Trọng tài và Hoà giải quốc tế về môi trường (ICEAC) đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các chuyên gia và đã dẫn đến sự ra đời ICEAC dưới dạng một hiệp hội được thành lập theo Luật của Mêhicô. Quy chế của ICEAC được thông qua năm 1996 quy định mọi đối tượng đều có thể tiếp cận ICEAC. ICEAC cung cấp biện pháp trọng tài, hoà giải, đồng thời có thể đưa ra những ý kiến tư vấn đối với các vụ việc liên quan đến môi trường. Phạm vi luật áp dụng để giải quyết các tranh chấp môi trường tại ICEAC rất lớn: ICEAC có thể áp dụng cả điều ước quốc tế lẫn các hợp đồng tư nhân; các nguyên tắc chung của luật quốc tế về môi trường; luật quốc gia phù hợp với các nguyên tắc chung của luật quốc tế về môi trường và bất kỳ một nguyên tắc, quy định hay tiêu chuẩn nào mà Toà cho là thích hợp, kể cả việc xét xử theo tiêu chí công bằng (ex aequo et bono). Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, ICEAC chưa nhận được bất cứ yêu cầu trọng tài nào. Mặc dù có nhận được một số yêu cầu hoà giải, song trong tất cả các vụ, phía bị đơn (là cơ quan nhà nước) luôn từ chối tham gia thủ tục hoà giải. Điều này cho thấy sức nặng của nguyên tắc thoả thuận của các bên đối với thẩm quyền của trọng tài. Dù vậy, một số ý kiến tư vấn mà ICEAC đưa ra cũng có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của luật quốc tế về môi trường. Đồng thời, sự ra đời của ICEAC đã phản ánh mong muốn của cộng đồng quốc tế đối với một cơ quan tài phán quốc tế trong lĩnh vực môi trường nơi các cá nhân có thể tiếp cận được.

*

**

Có thể nói, vấn đề giải quyết các tranh chấp quốc tế về môi trường bằng con đường tư pháp hiện nay đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn, đó là không có một cơ chế riêng biệt để giải quyết các tranh chấp dạng này và các cơ chế tài phán quốc tế hiện có dường như chưa phù hợp. Hầu hết các cơ chế này đều vấp phải một số vấn đề lớn về mặt thẩm quyền và thủ tục. Trước hết, chúng xem xét các vụ việc liên quan đến môi trường từ một góc độ khác như nhân quyền, hình sự, thương mại… Hơn nữa, có rất ít cơ chế nơi cá nhân có thể tiếp cận được. Cuối cùng, hầu hết các cơ chế này, ngoại trừ Toà án quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO,đều vấp phải vấn đề thực thi phán quyết cuối cùng.

Những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề được thể hiện ở một loạt đề án cải cách các cơ chế đang tồn tại hoặc thành lập các cơ chế mới. Tuy nhiên, nếu như các cải cách được thực hiện vẫn chưa đem lại kết quả khả quan, thì đề án thành lập một cơ chế tài phán riêng cho các tranh chấp quốc tế về môi trường cũng không cho chúng ta một cái nhìn lạc quan hơn. Mặc dù có nhiều ưu điểm, song những người ủng hộ và phản đối việc thành lập một Toà án quốc tế về môi trường đều thừa nhận rằng mô hình này là một đề án cho tương lai hơn là sáng kiến mang tính thực dụng cho giai đoạn hiện nay. Bởi mọi đề án đều vấp phải một trở ngại rất lớn đó là chủ quyền quốc gia, vì đưa các tranh chấp về môi trường ra giải quyết đồng nghĩa với vấn đề trách nhiệm quốc gia. Sau Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg năm 2002, chủ đề này vẫn tiếp tục được bàn thảo sôi nổi. Cùng với các cuộc thảo luận về những thay đổi trong quan niệm về chủ quyền quốc gia, chúng ta hi vọng rằng các cuộc thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về môi trường sẽ tìm ra hướng đi thích hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Nguyễn Trường Giang, Môi trường và luật quốc tế về môi trường(Hà Nội : NXB Chính trị quốc gia, 1996).

2.ICEF, Project for the International Court of the Environment Presented to the International Community at the UNCED Conference in Rio de Janeiro in June 1992, http://www.icef-court.org/icef/presentation/statute.html (truy cập ngày 28/7/2005).

3.Cesare P. R. Romano, The Peaceful Settlement of Invironmental Disputes: A Pragmatic Approach (The Hague: Kluwer Law International, 2000).

4.David M. Konisky, “The United Nations Dispute Settlement System and International Environmental Disputes”, Journal of Public and International Affairs9: 1-23 (Spring 1998), tr. 4.

5.Dionysia -Theodora Avgerinopoulou, The Role of the International Judiciary in the Settlement of Environmental Disputes and Alternative Proposals for Strengthening International Environmental Adjudication, (New Haven:Yale Center for Environmental Law and Policy, 2003).

6.Duncan Brack, International Environmental Disputes: International Forums for Non-Compliance and Dispute Settlement in Environment-Related Cases ( London: Royal Institute of International Affaires, 3/2001).

7.Eckard Rehbinder & Demetrio Loperena, Legal Protection of Environmental Rights: The Role and Experience of the International Court of Environmental Arbitration and Conciliation, tại trang web http://iceac.sarenet.es/acad_forumcastel/web/dlrandrehbinder.html (truy cập ngày 21/7/2005)

8.Ivano Iai, “Environmental Aspects


0 Votes

Trong số này

  1. Quan hệ Việt Nam và các nước
  2. Các vấn đề Quốc tế
  3. Nghiên cứu trao đổi

Những bài viết được quan tâm nhất

Giỏ hàng

Giỏ hàng hiện đang trống.
Xem giỏ hàng

Đăng nhập

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterToday113
mod_vvisit_counterYesterday157
mod_vvisit_counterThis week270
mod_vvisit_counterLast week1377
mod_vvisit_counterThis month4001
mod_vvisit_counterLast month4403
mod_vvisit_counterAll days295313

Học viện Ngoại giao

Địa chỉ: 69 Chùa Láng – Đống Đa – Hà Nội
Điện thoại: 0438344540, máy lẻ 7106
Email: tapchi_ncqt@mofa.gov.vn, Web: www.isr.vn
©Copyright 2011-2024 Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế | Xây dựng trên nền tảng Hệ quản trị mã nguồn mở Joomla