Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Dương Văn Quảng

* Vai trò của chính sách đối ngoại đối với một nước nhỏ như Xinh-ga-po

Trong lịch sử, khi hệ thống luật quốc tế chưa ra đời, các nước nhỏ khó có thể tồn tại độc lập, mà thường bị các nước lớn láng giềng thôn tính hay biến thành chư hầu. Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, phe xã hội chủ nghĩa hình thành và phong trào giải phóng dân tộc phát triển đã tạo điều kiện cho hàng loạt các nước nhỏ ở châu Á và châu Phi ra đời.

Một câu hỏi luôn được đặt ra cho các nước nhỏ là làm thế nào để vừa tồn tại và vừa có thể phát triển được? Trong thời đại ngày nay, bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ 20, một nước nhỏ, nếu biết hoạch định và thực hiện một đường lối quốc tế khôn ngoan, trước hết dựa trên lợi ích quốc gia và chỉ vì lợi ích quốc gia, đồng thời phù hợp với mọi xu thế phát triển trong quan hệ quốc tế, có thể khắc phục được những khiếm khuyết về diện tích, tài nguyên và dân số, tạo ra được một thế đứng ở khu vực và trên thế giới.

 Xinh-ga-po là một nước nhỏ đã ra đời trong bối cảnh quốc tế như vậy, nhưng lại là một trong số ít nước đã thành công trong công cuộc phát triển đất nước vì biết tận dụng những điều kiện khu vực và quốc tế thuận lợi. Vì bất lợi về nhiều mặt, Xinh-ga-po luôn hoạch định chiến lược phát triển của mình dựa trên các yếu tố bên ngoài, ngoại trừ vấn đề nguồn nhân lực. Thậm chí, theo nghĩa rộng thì vấn đề nhân lực ở Xinh-ga-po cũng “hướng ngoại”, ở chỗ Xinh-ga-po khuyến khích nhân tài nước ngoài nhập cư rồi nhập quốc tịch Xinh-ga-po và nền giáo dục của Xinh-ga-po rất gần với giáo dục Anh và Mỹ. Đặc biệt, gần như toàn bộ những nhà lãnh đạo Xinh-ga-po và công chức cao cấp đều được đào tạo đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài.

 Một điểm nữa cần nhấn mạnh là không có nước nào lại biết hòa quyện chính sách đối nội và chính sách đối ngoại để tạo thành một thể thống nhất như Xinh-ga-po. Mọi chính sách, mọi tính toán và hành động của Xinh-ga-po ở trong nước cũng như trong quan hệ quốc tế đều vì mục đích tối thượng là đảm bảo sự sống còn của hòn đảo như một quốc gia độc lập và chủ quyền. Khi phát biểu trước Quốc hội, ông S. Rajaratnam, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Xinh-ga-po đã lập luận: “Cách tiếp cận của chúng ta là phải tạo ra một loại chính sách đối ngoại sao cho có thể củng cố được tình hình trong nước, giải quyết một số vấn đề quốc gia và tăng cường an ninh cũng như sức mạnh kinh tế và chính trị.”

 Mọi sai lầm của Xinh-ga-po về đối ngoại đều phải trả giá rất đắt. Hay nói đúng hơn, giới hạn hành động của họ rất hẹp trong quan hệ quốc tế. Chính vì vậy, công tác dự báo chiến lược, nhất là dự báo về các xu thế phát triển trong quan hệ quốc tế, làm cơ sở để hoạch định chính sách đối ngoại, được xác định là ưu tiên trong mọi ưu tiên. Trong một tình thế như vậy, các nhà lãnh đạo Xinh-ga-po đã nhận thức rất sớm rằng hòn đảo này là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của khu vực và thế giới. Thật vậy, chỉ ba tháng sau khi đất nước độc lập, ông Lý Quang Diệu đã khẳng định: “Trước hết, Xinh-ga-po phải quyết định quyền lợi lâu dài của mình nằm ở đâu. Và trong bối cảnh đó, một chính sách đối ngoại phải được hoạch định nhằm đảm bảo chắc chắn cho sự sống còn và phồn thịnh của chúng ta [Xinh-ga-po]. Nói cách khác, thương mại và công nghiệp cũng quan trọng như quốc phòng và an ninh. Và chúng ta càng buôn bán với nhiều người thì chúng ta càng chịu ít sức ép từ một nhóm nhất định nào đó.”

Nhận định này của ông Lý Quang Diệu đã trở thành kim chỉ nam cho đường lối quốc tế của Xinh-ga-po ở mọi giai đoạn, cũng như phương châm hành động của các nhà ngoại giao...

 

* Kể từ một thập kỷ nay, dân chủ hóa đang trở thành một đòi hỏi bức bách trong đời sống quốc tế hiện đại. Dân chủ hóa sẽ vừa là phương tiện và mục đích của một quá trình lâu dài nhằm thay thế phương thức đối đầu loại bỏ nhau bằng cách tiếp cận cùng thắng (win-win approach) trong quan hệ quốc tế (QHQT) và dần dần xây dựng những khuôn khổ và luật chơi cần thiết nhằm loại bỏ chính trị cường quyền để mọi nước đều bình đẳng và tham gia có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng nhiều về số lượng và phức tạp về tính chất. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cố gắng trả lời một phần các câu hỏi: thế nào là dân chủ hóa đời sống quốc tế, “dân chủ hóa” đời sống quốc tế đang ở vào thực trạng nào và giải pháp để nâng cao dân chủ và khắc phục tình trạng “mất dân chủ” trong đời sống quốc tế là gì?

 

Kể từ khi ra đời, bản thân văn hóa đã mang tính đa dạng và toàn cầu. Thật vậy, các dân tộc, người sáng tạo và chủ nhân của các nền văn hóa từ xa xưa, đã muốn truyền bá văn hóa, đồng thời lại muốn tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để làm sâu sắc thêm nền văn hóa của dân tộc mình. Đây chính là quá trình giao lưu văn hóa. Thêm vào đó, giới văn nghệ sĩ, đội tiên phong của văn hóa dân tộc, luôn luôn muốn đi ngao du khắp nơi để tìm cảm hứng sáng tác và học hỏi đồng nghiệp ngoài lãnh thổ quốc gia. Thậm chí, ở các nước châu Âu thời kỳ phong kiến vua chúa một số nước mời hẳn nghệ sĩ các nước khác đến cung đình biểu diễn hoặc sáng tác. Nhà hài kịch nổi tiếng Pháp Molière đã từng đi biểu diễn ở nhiều cung đình các nước châu Âu. Vậy thì tại sao bây giờ người ta lại đối lập hai đặc tính của văn hóa - đa dạng, toàn cầu - vốn luôn có khả năng bổ sung cho nhau? Toàn cầu hóa đúng là đã đem lại rất nhiều thời cơ trong mọi lĩnh vực, nhưng đồng thời nó cũng là nguồn gốc của nhiều thách thức, trước hết là thách thức đối với đa dạng văn hóa. Vậy đâu là cách thức hữu hiệu để duy trì sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa? Quan điểm của Việt Nam về đa dạng văn hóa và toàn cầu hóa đã được phát biểu tại nhiều diễn đàn khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những đặc thù của văn hóa trong thời đại thông tin và phân tích một số ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề đa dạng văn hóa. 

Quan hệ quốc tế là một lĩnh vực rất động vì nó phụ thuộc vào nhiều thông số khác nhau. Trước hết đó là số lượng những tác nhân chủ thể (actors) của QHQT. Thứ đến là mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể. Sự tác động này lại phụ thuộc vào chính sức mạnh và vị trí của từng chủ thể và vào mối quan hệ của từng chủ thể đối với các chủ thể khác. Thứ ba là môi trường quốc tế. Thật vậy, có rất nhiều yếu tố tạo nên hoặc tác động đến môi trường quốc tế và chính những yếu tố này cũng luôn luôn biến đổi theo chiều thuận hoặc nghịch tuỳ thuộc vào thời gian, không gian và vị thế của mỗi chủ thể. Khi nói một trật tự thế giới ra đời, ta muốn nhấn mạnh và khái quát hoá những quy luật vận động hơn là hình hài của nó. Với tất cả những thực tế trên có thể nói đan xen và đa dạng là một trong những đặc thù của quan hệ quốc tế; vấn đề là mức độ đan xen đến đâu, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các thông số nêu trên.

Khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, mọi thứ đều đảo lộn: trật tự thế giới, khái niệm bạn-thù, phương thức tập hợp lực lượng… Tất cả các nước, kể cả các nước lớn đều bị đẩy vào thế lúng túng cả về mục tiêu chiến lược lẫn phương thức tập hợp lực lượng. Đặc biệt, Mỹ mất đối thủ cạnh tranh về chiến lược là Liên Xô, trong khi đó Trung Quốc cũng mất thế lợi dụng mâu thuẫn đối kháng Xô-Mỹ để tập hợp lực lượng và phát huy vai trò “người thứ ba”. Từ đây, mọi nước đều phải xác định lại chiến lược đối ngoại và vị trí của mình trên bàn cờ chính trị thế giới đang chuyển động liên tục. Trong một cục diện như vậy, tính chất đan xen về quan hệ vừa rất phức tạp và lại càng phong phú.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, có thể nói truyền thông đại chúng là một trong những phương tiện và cách thức tiếp cận và tác động hiệu quả nhất đối với công chúng trong và ngoài nước. Câu hỏi đặt ra là Ngoại giao sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và báo viết nói riêng như thế nào khi thực hiện sứ mệnh của mình? Cách đặt vấn đề như vậy càng cần thiết hơn khi thông tin đối ngoại là một bộ phận hữu cơ và quan trọng của Ngoại giao văn hóa (đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam ưu tiên triển khai). Muốn sử dụng được báo chí trong công tác thông tin đối ngoại ta cần nắm vững ba vấn đề: chức năng của báo chí, người làm báo và người nhận tin...

Ngay sau khi bộ môn Quan hệ quốc tế ra đời, giảng dạy và phân tích chính sách đối ngoại của các quốc gia đã trở thành công việc đầu tiên và trọng tâm của bộ môn khoa học này. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tiếp cận chính sách đối ngoại dưới góc độ nào, hay nói cụ thể hơn bằng phương pháp nào? Các nhà nghiên cứu quốc tế thường có khuynh hướng dùng các loại lý thuyết khác nhau để xem xét chính sách đối ngoại. Họ tìm mọi cách để chứng minh rằng chính sách đối ngoại của nước này hay nước kia thuộc trường phái nào. Thậm chí họ đi xa hơn khi khẳng định rằng các nhà hoạch định chính sách nói chung và chính sách đối ngoại của nước họ nói riêng nên theo học thuyết này hay trường phái kia. Nhưng thực tế thường không tuân thủ các quy tắc do con người định ra mà diễn ra theo quy luật riêng của nó. Chính sách đối ngoại là sự phản ứng của quốc gia đối với thời cuộc nhằm bảo vệ lợi ích dân tộc. Vậy người hoạch định chính sách chỉ cần hiểu thời cuộc họ đang sống mang những đặc tính gì và lợi ích dân tộc của họ ở thời điểm đó là gì. Có lẽ khi phân tích chính sách đối ngoại người nghiên cứu phải đặt mình vào vị trí của người hoạch định chính sách.

Tuy mục đích của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) là duy trì hòa bình và an ninh thông qua việc hợp tác về giáo dục, khoa học và văn hóa, song Ngoại giao chính trị, hay bản chất chính trị của ngoại giao vẫn chi phối mọi hoạt động của tổ chức chuyên môn này. Bài viết này sẽ trình bày và phân tích kinh nghiệm hoạt động ngoại giao đa phương tại tổ chức UNESCO, đặc biệt là kinh nghiệm vận động để trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 1972 (WHC) và vận động cho việc công nhận danh hiệu di sản thế giới.

Kể từ Hội nghị cấp cao (HNCC) Pháp ngữ lần thứ nhất vào năm 1986 đã xuất hiện trên trường quốc tế một tổ chức rất độc đáo: đó là một tập hợp các quốc gia không dựa trên các tiêu chí chính trị, kinh tế, mà là dựa trên việc sử dung chung một ngôn ngữ, đó là tiếng Pháp (Pháp ngữ). Bài viết này đưa ra những phân tích lý giải tại sao thúc đẩy Pháp ngữ trở thành tác nhân quan hệ quốc tế và phân tích tính đặc thù của tổ chức Pháp ngữ.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế không chỉ liên quan đến các vấn đề chính trị - an ninh, hay kinh tế, mà trên thực tế - dù ta thừa nhận hay không - nó đụng chạm đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội nói chung và đời sống của mỗi con người nói riêng. Đã từ lâu chính trị - an ninh và kinh tế là hai lĩnh vực được bàn cãi nhiều nhất trong quan hệ quốc tế vì nó liên quan sát sườn đến sự sống còn của mỗi quốc gia. Ngược lại, văn hóa và thông tin vẫn được coi là ‘đặc thù riêng’ của mỗi quốc gia. Chỉ đến khi khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, kết nối toàn cầu, thu ngắn khoảng cách và biến trái đất thành một ‘cái làng’ thì mọi công dân của trái đất mới nhận thấy trao đổi văn hóa, thông tin và du lịch đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được. Có lẽ trên thực tế, văn hóa và thông tin là hai lĩnh vực được hội nhập mạnh mẽ nhất ngoài ý muốn chủ quan của mỗi chúng ta. Bài viết này giới thiệu hai Công ước về di sản văn hóa và trình bày về hội nhập văn hóa, di sản văn hóa và ngoại giao văn hóa.

Quan hệ quốc tế - nếu được hiểu theo nghĩa bang giao giữa các cộng đồng - cũng lâu đời như lịch sử xã hội loài người và là biểu hiện của ngoại giao. Điều cần nhấn mạnh là các mối bang giao này mang tính chất đơn lẻ và hầu như chỉ phụ thuộc vào ý chí và tính cách của các ông vua trị vì. Bang giao chỉ thuần túy dựa trên lợi ích hai bên, ít tính đến các tác nhân và yếu tố khác và chưa thể coi đó là quan hệ quốc tế. Chỉ đến khi nhà nước - dân tộc ra đời ở châu Âu vào thế kỷ XVI, nhất là từ sau Hội nghị Westphalia 1648 thì quan hệ quốc tế mới mang một nghĩa rộng và đầy đủ như hiện nay. Bài viết này khảo cứu về việc nghiên cứu quan hệ quốc tế trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Thuật ngữ “chiến lược thuộc về ngôn từ quân sự và chỉ trong lĩnh vực này và ở mọi thời đại nó mới mang đầy đủ ý nghĩa của nó. Song, thời đại thay đổi, ngôn từ quân sự cũng như ngôn từ thuộc các lĩnh vực khác đều mang ý nghĩa rộng hơn và thâm nhập vào các lĩnh vực khác. Do vậy, ngoại giao và nghiên cứu quốc tế không thể không hiểu, dù là một cách sơ bộ, khái niệm chiến lược và các vấn đề liên quan. Tất cả những gì chúng tôi viết về chiến lược ở đây chủ yếu dựa vào tác phẩm “Nhập môn chiến lược”, Economica, xuất bản bằng tiếng Pháp, tại Paris, năm 1963 và được tái bản lại nhiều lần vào những năm 1964, 1985, 1995.1 Bài viết này sẽ phân tích khái niệm chiến lược và những khái niệm liên quan đến chiến lược, tiếp đó sẽ đưa ra cách luận giải về nghiên cứu chiến lược, đặc biệt tập trung vào việc phân tích nghiên cứu chiến lược trong ngoại giao.



1 Cuốn sách chúng tôi sử dụng là bản năm 1985. Tác giả cuốn sách là Tướng André Beaufre và đây là quyển sách viết về chiến lược được đánh giá cao không chỉ bởi các tướng lĩnh mà đặc biệt cả các nhà nghiên cứu chính trị và quốc tế.

Với tính chất là một khoa học, lý thuyết quan hệ quốc tế tương đối
mới và hầu như không phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cách
tiếp cận của nó quá hiện đại, ngôn từ sử dụng lại khó hiểu nên nó chỉ
dành cho những đối tượng am hiểu vấn đề này. Hơn thế nữa, chính sách
đối ngoại (nội dung cốt lõi của quan hệ quốc tế) lại không được nghiên
cứu thấu đáo dưới góc độ lý thuyết và khoa học. Với những lý do nêu
trên, cách hiểu nhiều khái niệm liên quan đến quan hệ quốc tế rất khác
nhau. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi cố lý giải theo cách hiểu
của chúng tôi một số khái niệm như: quan hệ quốc tế, chính sách đối
ngoại (CSĐN), ngoại giao, đàm phán.

Cùng với những FTA song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam về cơ bản đã được thực hiện sâu, đầy đủ và toàn diện vào đời sống quốc tế. Vấn đề mang tính chiến lược cho những thập niên tới là đưa hội nhập “đi vào chiều sâu” và “ nâng cao hiệu quả” của hội nhập quốc tế. Bài viết này nhằm làm sáng tỏ nội hàm về chiều sâu và hiệu quả của hội nhập quốc tế ở Việt Nam, đồng thời cũng khảo sát những khái niệm này trong lĩnh vực hội nhập văn hóa.

Từ xa xưa con người đã tìm cách đoán biết những gì sẽ diễn ra. Phương thức dự đoán mang mầu sắc thần bí và số mệnh. Sau đó, tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học, con người từng bước sử dụng trí thức để phỏng đoán. Vì vậy, phỏng đoán ngày càng có cơ sở và kết quả phỏng đoán cũng sát thực tế hơn. Với lý do đó người ta chuyển từ phỏng đoán sang dự báo. Kết quả dự báo chỉ thực sự được sử dụng và ít nhiều có độ tin cậy từ nửa cuối thế kỷ XX. Có người gọi dự báo là nghiên cứu viễn cảnh; thậm chí có người coi dự báo là tương lai học. Song dù tên gọi là gì và phương pháp tiếp cận ra sao, dự báo là một phương pháp nghiên cứu không thể bỏ qua trong thời đại thông tin và khoa học công nghệ. Bài viết này đưa ra một số khái niệm có liên quan tới dự báo, đồng thời trên cơ sở thực tế của thế kỷ XX để đưa ra một số dự báo cho quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI.

Cho đến nay, không ai phủ nhận rằng quốc gia là chủ thể chính của quan hệ quốc tế (QHQT). Tuy nhiên, các quốc gia cũng phải thừa nhận rằng trong tiến trình toàn cầu hóa, ngoài quốc gia, còn có nhiều tác nhân mới có vai trò hỗ trợ và bổ sung cho quan hệ quốc tế. Do vậy, phân tích quan hệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, không thể không nói đến các tác nhân mới này. Trước hết, đó là các tổ chức quốc tế liên chính phủ, thứ đến là tổ chức quốc tế phi chính phủ, công ty đa quốc gia, chính quyền địa phương ... Ngoài các chủ thể này, nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế còn kể đến toàn thể nhân loại, các cá nhân, các tổ chức tội phạm, tôn giáo, lý luận… Sự gia tăng số lượng các tác nhân QHQT - dù không được thừa nhận là chủ thể - đã và đang tác động đến hình thức, nội dung và phương thức hoạt động ngoại giao trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Sự kiện là một việc xảy ra một cách đột biến và bất thường hàng ngày do con người gây ra hay tự nó xảy ra trong thiên nhiên. Đặc trưng của sự kiện là nó tạo ra một sự chuyển dịch, một sự đứt quãng, đoạn tuyệt trong dòng chảy của sự vật. Sự kiện có những tác động khác nhau đến tương lai của sự vật. Mỗi một ngành khoa học lựa chọn, quan sát và phân tích sự kiện theo tiêu chí, phương pháp và mối quan tâm riêng của họ. Trong mối quan hệ của các nước trên thế giới, sự kiện vừa là công cụ nghiên cứu, vừa là bộ phận cấu thành của các mối quan hệ quốc tế này. Không ai nghiên cứu quan hệ quốc tế mà lại không theo dõi và nghiên cứu sự kiện. Vấn đề là cần phân biệt đâu là sự kiện được coi là sự kiện ngoại giao hay quan hệ quốc tế, và đâu là thời sự hay thuần túy là sự kiện báo chí. Bài viết này, do vậy, sẽ tập trung khảo sát thuật ngữ sự kiện và việc nghiên cứu sự kiện trong quan hệ quốc tế.

Quan sát là công việc đầu tiên của nghiên cứu khoa học. Quan sát khoa học không phải thuần túy là động tác nhìn mà là cả một quá trình động não đi từ nghe, nhìn đến suy xét nhằm thu thập và phân tích dữ liệu. Nhìn chỉ thấy các chi tiết rời rạc trong khi đó quan sát là phải thấy tổng thể, từ thu thập và nhận biết được các mối liên hệ giữa các dữ liệu thu thập được đến đánh giá, sắp xếp, phân loại và cuối cùng là khai thác dữ liệu. Quan sát là phương pháp nghiên cứu sử học được hình thành từ cuối thế kỷ XIX và dần dần được hoàn thiện. Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế (QHQT) nói chung và phân tích sự kiện nói riêng, phương pháp quan sát là không thể thiếu.

Phép duy vật biện chứng là một phương pháp hiệu quả để phân tích quan hệ quốc tế. Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu và vận dụng tốt phép duy vật biện chứng. Bài viết này giới thiệu với độc giả những khái niệm cơ bản của phép duy vật biện biện chứng như các nguyên lý và các quy luật cơ bản. Bài viết đi sâu phân tích các phạm trù và các cặp phạm trù chính để giúp độc giả hiểu và vận dụng phép duy vật biện chứng trong thực tiễn.

 

Từ khóa: duy vật biện chứng, quan hệ phổ biến, nguyên lý về sự phát triển, quan hệ quốc tế, chủ nghĩa duy vật

Ngoại giao công chúng mới dựa trên kỹ thuật số và quyền lực mềm là sự tương tác hai chiều từ quốc gia ra quốc tế và từ quốc tế vào quốc gia, thúc đẩy giao lưu văn hóa thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng góp phần thực hiện ba mục tiêu của đối ngoại: an ninh, hòa bình; phát triển và nâng cao vị thế. Ngày nay, mọi quốc gia đều triển khai ngoại giao công chúng, nhưng phải tính đến ba tham số mới: chủ nghĩa quốc tế văn hóa, thương hiệu quốc gia và vai trò véc tơ của truyền thông. Ngoại giao công chúng được triển khai trên ba chiều kích: xây dựng và truyền tải một thông điệp đầy đủ về đất nước, tạo dựng quan hệ thông qua truyền thông chiến lược về từng chủ đề quan trọng, mở ra một diễn đàn xã hội rộng rãi. Ngoại giao thời công nghệ kỹ thuật số là tổng hợp của ba sức mạnh: khả năng quyến rũ, khả năng gây sức ép và khả năng hợp tác.

Những bài viết được quan tâm nhất

Giỏ hàng

Giỏ hàng hiện đang trống.
Xem giỏ hàng

Đăng nhập

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterToday116
mod_vvisit_counterYesterday157
mod_vvisit_counterThis week273
mod_vvisit_counterLast week1377
mod_vvisit_counterThis month4004
mod_vvisit_counterLast month4403
mod_vvisit_counterAll days295316

Học viện Ngoại giao

Địa chỉ: 69 Chùa Láng – Đống Đa – Hà Nội
Điện thoại: 0438344540, máy lẻ 7106
Email: tapchi_ncqt@mofa.gov.vn, Web: www.isr.vn
©Copyright 2011-2024 Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế | Xây dựng trên nền tảng Hệ quản trị mã nguồn mở Joomla