Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nguyễn Thị Thanh Thủy

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, khu vực Đông Bắc Á là một trong những trọng điểm chính sách an ninh của Mỹ. Chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng Đông Bắc Á vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ hậu quả của nó, đồng thời những diễn biến mới về an ninh-chính trị trong khu vực ngày càng có khả năng trở thành thách thức đe dọa lợi ích của Mỹ ở địa bàn này. Cũng trong thời gian đó, tình hình an ninh-chính trị quốc tế nói chung và ở Đông Bắc Á nói riêng có nhiều biến đổi, đặc biệt xuất hiện những thách thức mới đối với Mỹ. Đáng chú ý là sự trỗi dậy của Trung Quốc trên nhiều phương diện - làm gia tăng ảnh hưởng của cường quốc này trong khu vực và cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - gây quan ngại lớn cho vấn đề an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ. Ngay cả các đồng minh truyền thống cũng có vấn đề trong quan hệ với Mỹ. Vậy chính quyền của Tổng thống George Bush (2001-2008), chính quyền đầu tiên khi nước Mỹ bước vào thế kỷ 21, nhìn nhận những thách thức này như thế nào và có những đối sách gì để duy trì ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực? Đó là những nội dung chính mà bài viết này sẽ đề cập...

Sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm thay đổi cách nhìn của Mỹ đối với vấn đề an ninh quốc gia, tạo nên những thay đổi trong chính sách an ninh nội địa của Mỹ suốt một thập kỷ qua. Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đối phó với các thách thức khủng bố đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng không cũng như vấn đề di dân, nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, những thay đổi này đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của nước Mỹ và hạn chế nhất định tới lợi ích của một số ngành kinh tế có liên quan đến yếu tố người nước ngoài, chẳng hạn ngành hàng không và du lịch…

Năm 2009 bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Do có những biến động trong các vấn đề đối nội và đối ngoại trong giai đoạn này, Chính quyền Obama (2009-2012) vì thế vừa phải kế thừa những vấn đề của chính quyền tiền nhiệm vừa phải đưa ra những điều chỉnh mới trong chính sách đối ngoại để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Bài viết này tập trung nghiên cứu chính sách của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh - quân sự có so sánh với chính sách của chính quyền tiền nhiệm để thấy được những khác biệt giữa hai giai đoạn. Đồng thời, việc nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động của sự điều chỉnh chính sách đối với quan hệ Mỹ - Trung, với khu vực cũng như với xu hướng vận động của quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới.

Kể từ đầu thế kỷ XX, sức mạnh của năng lượng hạt nhân ngày càng được khám phá và trình độ kỹ thuật hạt nhân ngày càng được nâng cao. Do đó, năng lượng hạt nhân ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực để phục vụ các mục đích quân sự và dân sự. Đối với các mục đích quân sự, nhiên liệu hạt nhân được sử dụng trong việc chế tạo các loại vũ khí hạt nhân. Đó là loại vũ khí có khả năng hủy diệt ghê gớm, đồng thời nó cũng được coi là thứ vũ khí răn đe trong quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Trong mục đích dân sự, năng lượng hạt nhân được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người như công nghiệp (khai thác khoáng sản, điện hạt nhân…), nông nghiệp (tạo ra cây trồng và vật nuôi có năng suất cao, bảo quản thực phẩm…), y tế (chẩn đoán và điều trị bệnh), bảo vệ môi trường, vật lý thiên văn, v.v. Do đó, việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực dân sự được coi là sử dụng vì mục đích hòa bình.  Để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng quốc gia cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đang từng bước thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân dân sự mặc dù còn nhiều hạn chế về trình độ kỹ thuật và nguồn nhân lực. Trong khi đó, Mỹ là một trong những nước có trình độ công nghệ hạt nhân hàng đầu thế giới. Do đó, việc hợp tác với Mỹ cũng như với các nước khác có trình độ khoa học tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là một nhu cầu cấp thiết của Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bước đầu nghiên cứu sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, tập trung vào hai nội dung chính là cơ sở của sự hợp tác và những hình thức hợp tác giữa hai nước trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

 

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, các nước tiến hành các hoạt động ngoại giao dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng quy tụ lại thành hai loại chính là ngoại giao nhà nước (còn gọi là ngoại giao truyền thống) và ngoại giao nhân dân (NGND). Ngoại giao nhà nước chính là mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ của các nước có chủ quyền, giữa các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của các nước. Các công chức làm việc trong các đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của một nước ở nước ngoài là những người đại diện cho chính phủ của họ ở nước sở tại. Trong khi đó, NGND là những cách thức trong đó một nước hoặc một tổ chức phi chính phủ thiết lập quan hệ với các thành phần phi chính phủ của các nước khác nhằm mục đích phát huy “sức mạnh mềm” của một nước,[1] hỗ trợ cho ngoại giao nhà nước để thực hiện chính sách đối ngoại mà chính phủ nước đó đã đề ra. Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam và Nhật Bản đều thực hiện các hoạt động NGND trong nhiều thập kỷ qua nhưng có những điểm tương đồng và khác biệt về cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu những hình thức NGND trong quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản, một trong số những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những nhận xét về hoạt động NGND trong quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản và đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần làm cho hoạt động NGND của Việt Nam nói chung và NGND trong quan hệ với Nhật Bản nói riêng đạt hiệu quả hơn nữa. Do tên gọi của loại hình NGND ở hai nước không giống nhau nên để thuận tiện cho việc trình bày, tác giả sử dụng thuật ngữ chung là “ngoại giao nhân dân” trong toàn bộ bài viết.



[1] Theo định nghĩa của Joseph Nye, giáo sư của Đại học Harvard Mỹ, “sức mạnh mềm” hay còn gọi là “quyền lực mềm” là khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia.” Tham khảo bài viết của Joseph Nye, Trực tuyến cùng “cha đẻ” của “quyền lực mềm”, www.tuanvietnam.net/vn/tructuyenvoitop/1973/index. aspx, truy cập ngày 14/11/2007.

Sau một quá trình xem xét vụ kiện của Philippin chống lại yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài - được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc (sau đây gọi tắt là Tòa Trọng tài) - đã ra Phán quyết dài 497 trang bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước có liên quan, đã thể hiện thái độ và những phản ứng khác nhau đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích thái độ và phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài, tập trung vào những nước có liên quan trực tiếp tới những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nội dung phân tích của bài viết nhằm nhận diện những khả năng giải quyết tranh chấp là gì và như thế nào sau Phán quyết của Tòa Trọng tài.

Những bài viết được quan tâm nhất

Giỏ hàng

Giỏ hàng hiện đang trống.
Xem giỏ hàng

Đăng nhập

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterToday374
mod_vvisit_counterYesterday127
mod_vvisit_counterThis week1146
mod_vvisit_counterLast week1037
mod_vvisit_counterThis month5914
mod_vvisit_counterLast month4403
mod_vvisit_counterAll days297226

Học viện Ngoại giao

Địa chỉ: 69 Chùa Láng – Đống Đa – Hà Nội
Điện thoại: 0438344540, máy lẻ 7106
Email: tapchi_ncqt@mofa.gov.vn, Web: www.isr.vn
©Copyright 2011-2024 Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế | Xây dựng trên nền tảng Hệ quản trị mã nguồn mở Joomla